.

.

Bảo vệ công trình kiến trúc Phật viện Ðồng Dương

Tháp Sáng ở Phật Viện Đồng Dương
 đang xuống cấp từng ngày.
[TGKT] Khu di tích Phật viện Ðồng Dương nằm trên địa bàn xã Bình Ðịnh Bắc, (Thăng Bình, Quảng Nam), cách TP Tam Kỳ hơn 40 km về phía tây bắc và cách TP Ðà Nẵng chừng 60 km về phía tây nam. Ðây từng là trung tâm Phật giáo của vương quốc Chăm-pa, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia vào năm 2000.

Thế nhưng, trong hơn 10 năm qua, việc tu bổ, tôn tạo di tích này chưa được quan tâm đúng mức, nên Phật viện Ðồng Dương đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích...

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi lần lên các xã vùng tây, chúng tôi đã nhiều lần được lãnh đạo huyện Thăng Bình đưa đến thăm khu di tích Phật viện Ðồng Dương; và lâu nay vẫn biết di tích đang bị xuống cấp theo năm tháng, nắng mưa. Vậy mà, lần này trở lại, chúng tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước sự hoang phế của một di tích cấp Quốc gia. Ðoạn đường nối từ tuyến đường 14E vào khu di tích, bây giờ đã được sửa sang, dễ đi lại hơn trước nhiều, nhưng vẫn còn tạm bợ và vắng vẻ quá.
Một gò đất đầy cây dại mọc ngày nào đã được người dân địa phương khai phá trồng bạch đàn và keo lá tràm. Nhìn những hàng keo lá tràm đang từng ngày vút lên trên đỉnh tháp và những viên gạch cổ bong ra, thân tháp đang yếu dần, như cố "trụ lại" giữa hệ thống giàn chống tạm bằng gỗ... mà cảm thấy chạnh lòng.

Theo nội dung trong tấm bia tìm thấy tại Phật viện Ðồng Dương ghi lại: Năm 875, vua In-đra-va-man II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là La-xcơ-min-đoa Lô-ke-xva-ra Xva-ki-a-đa. Dưới triều đại của In-đra-va-man II, kinh đô của vương quốc Chăm-pa lại được dời từ vùng Pan-đu-ran-ga trở ra vùng A-ma-ra-va-ti, văn bia này cho biết tên của kinh đô mới là In-đra-pu-ra và theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô In-đra-pu-ra là khu vực làng Ðồng Dương ngày nay. Theo sử sách ghi lại, năm 1901, L.Fi-not, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Ðồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108 cm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Theo các nhà nghiên cứu thì pho tượng này mang nhiều yếu tố của nghệ thuật Ấn Ðộ. Và đến năm 1902, khi H.Pa-men-ti-ơ khai quật khu Ðồng Dương, ông đã tìm thấy khu kiến trúc chính của Thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Những di vật này được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Chăm Ðà Nẵng và Bảo tàng Quảng Nam, là những vật chứng cho sự khẳng định của các nhà nghiên cứu về sự tồn tại của một "phong cách Ðồng Dương" trong lịch sử nghệ thuật Chăm ở Việt Nam.

Ðiều đáng buồn là khu di tích quan trọng vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chăm-pa đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và chiến tranh. Hiện nay trong khu di tích này chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là Tháp Sáng, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số đồ trang trí kiến trúc. Qua trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo xã Bình Ðịnh Bắc, chúng tôi được biết: Vào những năm 1980 - 1981, người dân địa phương thường đến khu vực tháp đào lấy gạch về xây nhà và đào xới đất lên để trồng cây lâm nghiệp... đã vô tình làm biến dạng khu di tích. Từ khi Phật viện Ðồng Dương được công nhận là di tích cấp Quốc gia vào năm 2000 đến nay, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ, giữ gìn; đồng thời ngăn chặn lấn chiếm đất trồng cây và lấy gạch cổ làm ảnh hưởng đến khu di tích. Tuy nhiên, những việc làm nhỏ nhoi ấy không thể ngăn chặn nổi tình trạng hoang phế của khu di tích.

Phật viện Ðồng Dương đang xuống cấp từng ngày, mảng tường còn lại duy nhất của Tháp Sáng có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Vậy, chúng ta làm gì để cứu vãn, bảo tồn và phát huy tốt giá trị của Phật viện Ðồng Dương? Ðây là câu hỏi đặt ra làm cho giới chuyên môn và chính quyền địa phương đau đầu. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Hồ Xuân Tịnh bộc bạch: Bảo tồn các di tích văn hóa Chăm là công việc phức tạp, đòi hỏi phải kết hợp các kỹ thuật truyền thống với kỹ thuật hiện đại, không thể cứng nhắc trong việc lựa chọn giải pháp bảo tồn và tu bổ. Ðối với Ðồng Dương, việc quan trọng nhất là bảo tồn các yếu tố gốc còn lại của di tích, có kế hoạch chống đỡ cấp thiết cho Tháp Sáng; đồng thời cần lập một dự án khai quật phát lộ phế tích gắn với việc gia cố, tu bổ từng phần các dấu vết được phát lộ. Ngay sau khi đào phát lộ các nền móng kiến trúc, cần tái định vị những thành phần kiến trúc còn sót lại của di tích, dùng gạch mới mô phỏng gạch Chăm để xây bổ khuyết, gia cố các móng tường còn lại.

Theo GS, TS, KTS Hoàng Ðạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia, cứu vãn và trùng tu Mỹ Sơn đã tưởng là công việc khó khăn, thách đố các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế. Thế nhưng, với Ðồng Dương, xem ra công việc còn khó khăn bội phần. Nhiều di tích không chỉ hoang tàn đổ nát, mà là bình địa; ngay cả can trường và nhiệt huyết như H.Slimann, cẩn trọng đến mức hàn lâm như nhà trùng tu N.Balanos, cũng phải đắn đo lắm mới dám chạm tay vào. GS Hoàng Ðạo Kính cho rằng, điều đầu tiên là cần phải nhìn nhận đây như là một di tích lịch sử, là chứng nhân lịch sử tiêu biểu và đặc sắc nhất, có một không hai, chứa đựng những thông tin được thể xác hóa. Bởi vậy, hễ giải mã được di tích này, chúng ta sẽ tìm được nhiều tri thức thuộc về một nền văn minh đã trôi vào dĩ vãng. Mặt khác, chúng ta cũng phải nhìn nhận Ðồng Dương như một phức hợp di tích, bao gồm các yếu tố vật chất của lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc đô thị - tín ngưỡng - dân dụng, điêu khắc... qua một quá trình tồn tại, với những giai đoạn để lại dấu vết và dấu ấn riêng. Từ đó, có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, tránh thiên vị về phương diện này, quan điểm kia và cần đề cao tính khách quan của lịch sử.

Với nhận thức đó, chúng ta sẽ phải cứu vãn, gìn giữ bằng được mọi vết tích, mọi thành phần và từng mảnh vụn của Ðồng Dương, không để mất mát thêm; quan trọng hơn là không để sai lệch thêm. Vấn đề ưu tiên số một lúc này là chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho giai đoạn triển khai phát lộ và trùng tu, bảo quản. Và để đạt được kết quả như mong muốn, cần có các nhà khảo cổ am hiểu sâu sắc về kiến trúc, cần các kiến trúc sư có hiểu biết chắc chắn về khảo cổ học. Theo ông Hoàng Ðạo Kính, với Ðồng Dương, cần một "dự án đầu tư nghiên cứu - khai quật - bảo quản di tích kiến trúc - khảo cổ học"; trong đó, việc bảo quản và trùng tu phải đi đôi, gắn liền với khảo cổ.

Khi đề cập vấn đề này, đồng chí Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết mới đây tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học về "giải pháp bảo tồn di tích Chăm Phật viện Ðồng Dương". Trên cơ sở hội thảo này, Quảng Nam sẽ lập đề án quy hoạch khảo cổ, bảo tồn tôn tạo; chú trọng công tác khảo cổ nghiên cứu khoa học về di tích Phật viện Ðồng Dương; đồng thời lập dự án quy hoạch tổng thể, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích; tiếp tục lắng nghe ý kiến các nhà khoa học để có cách ứng xử đúng đắn với khu di tích mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử này...

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải nhanh chóng bảo tồn, cứu lấy Phật viện Ðồng Dương. Nhưng công việc bắt đầu từ đâu là điều đòi hỏi phải suy nghĩ thật kỹ càng; tránh tình trạng can thiệp, tác động vội vàng làm tổn hại đến di tích. Hãy thận trọng trước khi bắt tay hành động để vừa cứu vãn, vừa phát huy có hiệu quả những giá trị văn hóa vốn có từ di tích vương quốc Chăm-pa...
Bài và ảnh: TẤN NGUYÊN