.

.

Khi thiết kế và nghệ thuật không còn ranh giới

[TGKT] Là người được nhận học bổng của giải thưởng Rome về Kiến trúc cảnh quan (FAAR’02), Andy Cao đã dành một năm tại Viện Hàn lâm Mỹ (Rome), cùng với cộng sự Xavier Perrot để tạo ra ctác phẩm “Box Red” lấy cảm hứng từ lịch sử, nghệ thuật và văn hóa của Rome.

Andy Cao - một KTS cảnh quan với những công trình luôn gợi một không gian đầy sự độc đáo và mời gọi người xem vào một thế giới trầm mặc của màu sắc và cảm nhận. Với những tác phẩm của mình, ông đã làm mờ đi ranh giới giữa thiết kế và nghệ thuật! Ông cùng các cộng sự của mình tin vào sự “sang trọng bằng tay” và giá trị “ngẫu hứng” khi có bất kỳ thay đổi nào trong quá trình thực hiện. “Máy móc có thể làm những việc chúng tôi đang làm, nhưng máy móc sẽ không thể cảm nhận hết được chúng, và tất nhiên, bạn cũng vậy!”

KTS Andy Cao (phải) & cộng sự Xavier Perrot

Chúng tôi nhắc nhở mọi người về những gì họ đã quên

Được coi là một trong những kiến trúc sư cảnh quan đang nổi lên tại phương Tây, Andy Cao mang đến một tiếp cận mới trong lĩnh vực này và điều đặc biệt hơn là những thiết kế của ông, vốn đậm chất nghệ thuật sắp đặt, phản ánh những hồi tưởng của tác giả về tuổi thơ Việt Nam của mình.

"Red Lantern" là món quà dành cho những người nhập cư Trung Quốc
 đã xây dựng tuyến đường sắt California, và tạo ra khu phố tàu của
 San Francisco ngày nay

Cách sắp đặt phong cảnh của Andy Cao luôn tạo ra những môi trường lạ lẫm, hòa trộn nghệ thuật và phong cảnh để tạo nên một nơi chốn của giấc mơ. Ông sử dụng những chất liệu quen thuộc, song đó lại là những chất liệu thường bị mọi người bỏ quên. Và, với cách cảm rất riêng của mình, ông đã khiến cho mọi người phải ngỡ ngàng, và như một lời nhắc nhở về cuộc sống, về những gì đã qua và về những gì chúng ta vẫn bỏ quên trong đời. Những công trình, ý tưởng của ông gợi một không gian đầy sự độc đáo và mời gọi người xem vào một thế giới trầm mặc của màu sắc và cảm nhận. Với những tác phẩm của mình, ông đã làm mờ đi ranh giới giữa thiết kế và nghệ thuật!

“Muốn làm gì, trước tiên hãy khẳng định: Mình là ai, và mình từ đâu đến!”
Cần khẳng định: Mình là ai, và mình từ đâu đến?

Pillow field - chi tiết của tác phẩm điêu khắc trái đất "pillows"

Andy Cao - KTS cảnh quan đang được thế giới biết đến ấy, ít ai hiểu được, ông đã bắt đầu vào nghề như thế nào. Sau khi tốt nghiệp ông và cộng sự đã thuê một căn nhà tại Los Angeles và mở công ty. Tuy nhiên, ông không có nhiều hợp đồng. Một ngày, trong khi đi bộ trong khu vườn nhà mình thuê, ông chợt nảy ra ý định sẽ biến nơi đây thành công trình đầu tiên khiến mọi người phải biết đến mình. Nhưng, việc đó hẳn không dễ. Và, những năm tháng tuổi thơ sống tại Việt Nam đã giúp ông điều đó. Mất hai năm rưỡi để hoàn thành, “Glass garden” ra đời từ đó. Nơi đây là sự cảm nhận và thể hiện rõ nhất về Việt Nam và về tuổi thơ của ông. Từ đó, ông nhận ra rằng: Muốn làm gì, trước tiên hãy khẳng định: Mình là ai, và mình từ đâu đến!


“Glass garden” là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Ông đã lang thang, tìm kiếm khắp nơi để tìm ra được sự riêng biệt cho mình. Những cánh đồng muối trắng, những hàng chuối, cụm sả - rất Việt Nam được trồng như hàng kiểng trong vườn. Và, đặc sắc nhất, đó là việc tận dụng những vỏ chai để làm thành một dải kính đa màu sắc. Khoảng 45 tấn kính được mài tròn đầy thông minh tận dụng từ vỏ chai nước ngọt trong một bãi phế liệu đã đưa công trình trở thành tác phẩm có một không hai. Đặc biệt hơn nữa, đó là những dải kính nhiều màu này có thể thay đổi màu sắc theo thời gian trong ngày bởi sự phản chiếu của ánh sáng. Và, nó đã đưa Andy Cao cùng cộng sự đến với thành công. Ông chia sẻ, nếu bạn mới đến khu vườn, bạn sẽ không thể nhận ra ngay đó là vườn của người Việt. Nhưng, hãy thử trải nghiệm một vòng với tiếng gió khẽ qua các tàu chuối, tiếng lao xao dưới chân và mùi sả bay ngào ngạt. Bạn sẽ hiểu. Đến với “Glass garden”, tờ New York Times đã từng nhận định: Công trình với sự trải dài đầy mơ mộng về cuộc sống của người dân Việt Nam cùng những thảm kính sáng lấp lánh đầy huyền ảo từ màu vàng nhạt đến màu cam, màu xanh được trải trên một địa hình nhấp nhô như một khối điêu khắc đầy nghệ thuật. Ở đó, khi bước chân trên những dải lấp lánh đó, nó phát ra những âm thanh êm ả như bài hát du của người dân Việt. Hãy bỏ chân trần và lang thang trong đó, với cái cách mà Andy Cao thể hiện, bạn sẽ có cảm giác như Gulliver sải bước trên vùng đất của Lilliput.

“Không có những sai lầm được thực hiện, chỉ có những khám phá mới”

Tác phẩm "BAI YUN (WHITE CLOUD)" đầy tinh tế với "sự sang trọng bằng tay"
của Andy Cao và cộng sự. Tác phẩm hoàn thành 2011 tại Sonoma (CALIFORNIA)

Đó chính là nhận định của Andy Cao. Với ông, chỉ có sáng tạo, khám phá, dám nghĩ và dám làm mới có thể tạo nên những điều kỳ diệu. “Nếu chúng ta làm tất cả những “giấc mơ” của mình theo cách truyền thống, tìm kiếm tài liệu và nghiên cứu xem nó sẽ mất bao nhiêu thời gian, và việc thực hiện nó khó khăn như thế nào, chúng ta sẽ không bao giờ làm được bất cứ điều gì”, ông chia sẻ khi kể về tác phẩm “Bạch vân” của mình. Ông trực tiếp uốn nắn từng sợi kim loại mạ kẽm, trên đó treo khoảng 5.000 tinh thể trắng muốt như những giọt sương, và tổng thể nó như một khối mây trắng khổng lồ.


Andy Cao tạo ra những không gian giấc mơ của mình theo cách mà ông muốn, hoàn toàn không có kế hoạch. Nhiều năm trước đây, ông đã từ bỏ bút chì và giấy. Ý tưởng của ông được phác thảo trong đầu, và ông thực hiện theo nó một cách dần dần. Họ khác những KTS bình thường, thiết kế rồi để phần thực hiện cho người khác. Ông cùng các cộng sự của mình tin vào sự “sang trọng bằng tay” và giá trị “ngẫu hứng” khi có bất kỳ thay đổi nào trong quá trình thực hiện. “Máy móc có thể làm những việc chúng tôi đang làm, nhưng máy móc sẽ không thể cảm nhận hết được chúng, và tất nhiên, bạn cũng vậy!”
Trần Anh
Nguồn ảnh: caoperrotstudio
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 08/2011