.

.

Bản sắc văn hóa Việt trong di sản Huế

GS Takeshi Nakagawa - Ảnh: Thái Lộc
[MCĐV] Giáo sư Takeshi Nakagawa, chuyên gia hàng đầu thế giới về bảo tồn và tái thiết di sản, vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về dự án tái thiết điện Cần Chánh trong Tử Cấm thành Huế.

Giáo sư đã dành cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần một cuộc phỏng vấn về việc tái thiết điện Cần Chánh và trùng tu di tích ở Huế.

Đủ cơ sở để tái thiết điện Cần Chánh

Sau 15 năm hợp tác nghiên cứu, theo giáo sư, đến nay đã đủ cơ sở khoa học để phục nguyên điện Cần Chánh?

Dù điện Cần Chánh nay chỉ còn nền móng nhưng chúng tôi đã sưu tầm tất cả ảnh tư liệu cổ, đã đo đạc trên ảnh, trên nền móng... và đã trải qua rất nhiều phân tích để đi đến kết luận: có khả năng phục hồi. Nhiều công trình khác cũng được nghiên cứu, sử dụng các phương pháp khác nhau để rút ra quy luật chung.

Kinh thành Huế với các pháo đài ziczac theo kiểu kiến trúc quân sự Vauban - Ảnh: Thái Lộc

Chúng tôi đã phỏng vấn thợ làm nhà rường truyền thống để “bắc cầu”, so sánh với cách thiết kế kiến trúc cung điện ngày trước. Thêm nữa, chúng tôi có thể lấy kinh nghiệm thực tế từ công trình điện Long Đức đang được tu bổ, từ việc nghiên cứu điện Long An và cả từ dự án tái thiết điện Chiêu Kính.

Đến nay hệ thống tỉ lệ cho việc tái thiết điện Cần Chánh đã được đúc kết. Dù chưa rõ được trang trí nội thất của điện nhưng theo tôi, việc này không khó và sẽ được tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tái thiết hệ khung với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu địa phương.

Cần nói thêm: khi phục nguyên điện Cần Chánh, ngoài giá trị khoa học của một di sản kiến trúc chúng tôi còn nghĩ đến chức năng phù hợp với đời sống đương đại - điện có thể trở thành hội trường tổ chức các hội nghị lớn, là nơi tiếp khách quốc tế sang trọng nhất, bởi nó thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.

Công trình phục hồi điện Cần Chánh sẽ có vai trò như chiếc chìa khóa cho việc tái thiết các hệ thống cung điện phía trong Tử Cấm thành và Hoàng thành Huế. Tôi khẳng định đã đủ cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý để phục nguyên điện Cần Chánh.

Theo giáo sư, còn bao lâu nữa mới chính thức phục hồi?

Tôi không thể trả lời chính xác vì quá trình hợp tác phát sinh những vấn đề thuận lợi và không thuận lợi. Chúng tôi sẽ dành trọn năm 2012 để đúc kết toàn bộ kết quả nghiên cứu, quá trình hợp tác và đưa ra các chương trình hành động thực tiễn. Ngoài tiếp tục nghiên cứu trang trí nội thất, mô hình điện Cần Chánh tỉ lệ 1/10 đang được thực hiện để kiểm chứng hệ thống tỉ lệ kiến trúc đã nghiên cứu cũng như phương pháp chế tác những cấu kiện gỗ, sau đó sẽ tiến hành làm tỉ lệ 1/1 tái thiết bước 1 phần kiến trúc điện Cần Chánh.

Hành lang Tử Cấm thành: việc phục hồi hành lang Tử Cấm thành trước khi
phục hồi các cung điện được nhiều người xem là quy trình ngược trong trùng tu
di tích Huế hiện nay - Ảnh: Thái Lộc

Về kinh phí tái thiết, tôi mong muốn cả hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cùng kết hợp hỗ trợ để thực hiện bằng được dự án này. Văn phòng Tịnh Minh lâu đã được thành lập, đó là nơi tập trung tất cả dữ liệu, nơi cùng làm việc của nhóm dự án hai phía Nhật Bản - Việt Nam và là đầu mối quan trọng để tái thiết điện Cần Chánh cùng nhiều công trình sau này. Tuy nhiên tình trạng văn phòng Tịnh Minh lâu không được đưa vào hoạt động như hiện nay thì mọi dự định tái thiết đều không thể thực hiện.Đừng bắt nhiều thời kỳ quá khứ hội đàm cùng hiện tại

Thưa giáo sư, ngay sau điện Cần Chánh, các hành lang Tử Cấm thành hiện đang được phục nguyên trong khi những cung điện vẫn chỉ là nền móng. Đây có phải quy trình trùng tu ngược hay không?

Công cuộc trùng tu di tích (ở Huế - PV) hiện chưa được hoạch định rõ tiêu chí, đâu là chính đâu là phụ. Ngay cả về mặt thời gian cũng chưa có quy định rõ ràng: phục hồi di tích thời Gia Long, Minh Mạng hay Khải Định - từ đó dẫn đến sự tùy tiện trong trùng tu. Đây cũng chính là vấn đề lớn hiện nay đối với công việc phục hồi, tái thiết.

Cần nhớ rằng công cuộc trùng tu di tích ở Huế phải tuân theo những kết luận của hội đồng di sản văn hóa thế giới và các tiêu chí về bảo tồn trùng tu di sản. Tuy nhiên có thể có những trường hợp biệt lệ. Từng là thành viên nhóm công tác UNESCO suốt 10 năm và là một trong những chuyên gia xây dựng nền tảng chính sách, nhất là chính sách đặc thù cho từng khu vực di sản, chúng tôi mong muốn được tham vấn trước khi Huế tái thiết hay làm một công việc gì đó với các di sản. Rất tiếc có một số trường hợp chưa tham vấn nhưng đã làm rồi!

Theo tôi, không thể vội vã đối với công việc trùng tu di sản khi chúng ta chưa hiểu thấu đáo về nó. Mà muốn biết rõ thì phải dày công nghiên cứu. Những di sản lớn của thế giới trước khi quyết định trùng tu đều phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu. Huế cũng vậy. Tôi xin nhấn mạnh: xét trên bình diện bản sắc văn hóa Việt Nam trong di sản thế giới thì Việt Nam chỉ có một - đó chính là kinh thành Huế.

Vì sao “Việt Nam chỉ có Huế”, thưa giáo sư?

Sự ảnh hưởng văn minh Trung Hoa tại các nước châu Á lân cận có sự khác nhau, ngay cả trong từng quốc gia. Như trường hợp miền Bắc Việt Nam và có thể xứ Đàng Ngoài trước đó: ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa rất trực tiếp và toàn diện. Hoàng thành Thăng Long là một minh chứng. Tuy nhiên với xứ Đàng Trong trước đây và miền Nam sau này thì ảnh hưởng rất có chọn lọc: lựa chọn những gì tinh túy nhất và giữ lại những gì phù hợp với văn hóa của mình.

Có thể minh chứng thông qua đề tài luận án tiến sĩ của TS Lê Vĩnh An (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) khi trình bày về sự khác biệt giữa kỹ thuật thiết kế kiến trúc của Trung Hoa và của người Việt. Trong khi ở Bắc bộ cơ chuẩn thiết kế chủ yếu dựa trên hai phương là thẳng và ngang, thì thiết kế kiến trúc Trung bộ và cung điện ở Huế lại dựa trên từng bộ phận và chiều nghiêng của mái. Đây là một phát hiện rất quan trọng.

Thêm nữa, việc đưa thiên nhiên vào trong quy hoạch kinh đô là nét rất đặc trưng của đô thị Huế, điều này rất mờ nhạt trong văn minh cổ Trung Hoa...

Tôi rất muốn so sánh Ngọ môn Huế và Ngọ môn Trung Hoa. Dù công trình cùng hình thức, tên gọi, song có sự khác biệt gần như hoàn toàn. Điều đó hết sức thú vị và cũng rất quan trọng. Ngọ môn Trung Hoa là tòa kiến trúc uy nghi dựng trên nền móng to lớn, ngược lại Ngọ môn ở kinh thành Huế được hình thành từ những cấu kiện rất khiêm tốn nhưng lại trở thành một kiến trúc có giá trị, đặc sắc.

Ở Huế, để biện hộ cho một sự cố nào đó xảy ra trong việc trùng tu di tích, người ta thường đưa ra khái niệm “trùng tu thích nghi”, theo giáo sư, khái niệm này là thế nào?

“Trùng tu thích nghi” có thể là một cách làm, cách ứng dụng, song theo tôi đây là một lý luận, một khái niệm hơi lạ. Sau trùng tu, có thể sử dụng công trình theo chức năng gần nhất với đời sống đương đại mà nó từng có, nhưng tuyệt đối không thể hòa nhiều chức năng trong lịch sử vào làm một để định hướng tu bổ. Không thể bắt nhiều thời kỳ quá khứ cùng hội đàm với hiện tại!

* Xin cảm ơn giáo sư.
------------------------------------------------

Giáo sư Takeshi Nakagawa hiện là giám đốc Viện Nghiên cứu di sản thế giới của UNESCO (thuộc Đại học Waseda, Nhật Bản), giám đốc Chương trình bảo vệ Angkor của Chính phủ Nhật tại Campuchia (JSA). Dự án tái thiết điện Cần Chánh được giáo sư Nakagawa tư vấn về mặt chuyên môn, đồng thời ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc tiến cử Chính phủ Nhật tài trợ hàng chục triệu USD cho dự án.
Trong sự nghiệp bảo tồn di tích ở Huế, nhân lực và công nghệ bảo tồn, bảo quản (mà Việt Nam hay dùng là hóa nghiệm bảo quản) hiện nay đang rất thiếu. Huế vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể, những hiểu biết thấu đáo về sự biến chuyển của kỹ thuật các thời tại di tích Huế... do đó ý nghĩa của di sản văn hóa đã phần nào mất đi”.
------------------------------------------------

Theo THÁI LỘC thực hiện - Tuổi trẻ chủ nhật online

*****

Huế muốn vay vốn ODA để trùng tu Tử Cấm Thành (theo Đào Loan - TBKTSG 16-9-2011)

Trích đoạn:
Ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, vấn đề phục hồi điện Cần Chánh đã được đặt ra từ rất lâu. Năm 1994, trung tâm đã cùng đại học Waseda Nhật Bản tiến hành việc nghiên cứu để trùng tu điện Cần Chánh và một số công trình bị hư hại trong chiến tranh.

Đến nay, việc nghiên cứu, tập hợp tư liệu đã tương đối đầy đủ. Mô hình của điện Cần Chánh theo tỉ lệ 1/50, 1/10 cũng đã được thực hiện và đang xây dựng mô hình 1/5.

Các nhà trùng tu cũng đã phục hồi điện Long Đức, một điện nhỏ trong Thái Miếu, được xây từ thời vua Gia Long, tương đương với niên đại của điện Cần Chánh, để thu thập thêm kinh nghiệm cho việc phục dựng điện Cần Chánh. Sắp tới, một điện nhỏ khác là điện Chiêu Kính, vốn cũng đã bị xóa dấu vết hoàn toàn, cũng sẽ được phục dựng để chuẩn bị cho dự án lớn này.

*****


Trích đăng chùm bài "Di tích nằm chờ ngân sách" do báo Thanh Niên Online thực hiện

Kỳ 1: Vì sao chưa phục nguyên điện Cần Chánh? (do Bùi Ngọc Long - TN - 28-8-2011)

Nằm ngay trong Tử Cấm thành triều Nguyễn tại Huế, điện Cần Chánh được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong hệ thống công trình kiến trúc triều Nguyễn, tồn tại suốt 13 đời vua, nhưng năm 1947 bị phá hủy hoàn toàn và đến nay vẫn chưa được trùng tu phục hồi.

Mô hình phục nguyên kết cấu hệ khung gỗ của điện Cần Chánh, kết quả hợp tác
giữa Đại học Waseda (Nhật Bản) và Trung tâm BTDTCĐ Huế - Ảnh: T.L

Công trình tiêu biểu của vương triều Nguyễn

Du khách đến với Đại nội - Huế, sau khi tham quan kiến trúc độc đáo của điện Thái Hòa, thẳng vào giữa Tả vu và Hữu vu sẽ gặp một sân gạch rộng với những vạc đồng và ngay phía sau là vị trí của điện Cần Chánh, chỉ còn lại nền móng. Những năm qua, nơi đây được dùng để tổ chức dạ nhạc tiệc trong các chương trình Đêm Hoàng cung. Điện Cần Chánh khi còn tồn tại được xem là một công trình kiến trúc tiêu biểu của vương triều nhà Nguyễn tại Hoàng cung Huế.

Điện Cần Chánh đã bị hư hại hoàn toàn chỉ còn trơ lại nền móng - Ảnh: Minh Phương

Theo Dư địa chí Thừa Thiên -Huế, Cần Chánh là ngôi điện để nhà vua tổ chức các buổi lễ thiết triều vào ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hằng tháng. Ngoài ra, điện còn là nơi vua tiếp các sứ bộ quan trọng, tổ chức các buổi yến tiệc trong dịp khánh hỷ. Điện đặt trên nền cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh, diện tích gần 1.000m2, chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn. Toàn bộ khung gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim, phần lớn kết cấu gỗ đều được chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện trình độ kỹ, mỹ thuật cao của kiến trúc truyền thống VN thế kỷ 19. Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo hai bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp của kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước. Điện còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn. Dưới thời nhà Nguyễn, điện từng được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899 và đến đời vua Khải Định cho sơn thếp mới vào đầu thế kỷ 20. Năm 1947, do chiến tranh, ngôi điện này đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng.

*****

Kỳ 2: Trùng tu dở dang lăng vua Thiệu Trị (do Bùi Ngọc Long - TN - 30-8-2011)

Dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng vua Thiệu Trị thuộc quần thể di tích cố đô Huế được phê duyệt từ đầu năm 2006 với thời gian thực hiện đến năm 2010, thế nhưng đến nay chỉ có một công trình ở lăng Thiệu Trị được trùng tu là điện Biểu Đức và vẫn chưa hoàn thành.

Sau gần 5 năm dự án được phê duyệt, chỉ có công trình duy nhất tại lăng Thiệu Trị
được trùng tu là điện Biểu Đức nhưng vẫn chưa hoàn thành - Ảnh: B.N.L

Lăng Thiệu Trị có tên chữ là Xương Lăng, nằm ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Năm 2006, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng vua Thiệu Trị thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, với tổng kinh phí dự kiến 106 tỉ đồng.

Sân gạch bung tróc và Hồng Trạch Môn xuống cấp, hư hỏng - Ảnh: B.N.L

Theo dự án, công tác trùng tu diễn ra tại 3 khu vực của lăng Thiệu Trị, gồm: khu vực lăng, sẽ tu bổ phục hồi các hạng mục công trình hồ Nhuận Trạch, hồ Ngưng Thủy, Bình Phong tiền án, hồ điện, sân chầu, Nghi môn, Hồng Trạch môn, Hữu phối điện, Tả phối điện, điện Biểu Đức, Hữu Tùng viện... Khu vực tẩm sẽ tu bổ phục hồi bình phong tiền án, hồ điện, sân khấu, Nghi Môn, Hồng Trạch môn, Hữu phối điện, Tả phối điện, điện Biểu Đức, Hữu Tùng viện... Khu vực lăng Bà sẽ tu bổ nhiều công trình kiến trúc... đồng thời, dự án cũng sẽ đầu tư xây dựng các công trình tu bổ, tôn tạo, bảo quản và bảo vệ, quản lý di tích như hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện chiếu sáng, cung cấp nước... Theo quyết định phê duyệt, nguồn vốn đầu tư cho dự án được cấp từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác..., thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2010.

*****

Kỳ 3: Chạnh buồn bên lăng mộ vua (do Bùi Ngọc Long - Phan Quyên - TN - 31-8-2011)

Khu di tích An Lăng là nơi an táng và thờ tự của 3 vị vua triều đại nhà Nguyễn. Hiện tại khu di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình có nguy cơ bị xóa sổ nếu không sớm có giải pháp trùng tu.

Đổ nát và bị xâm hại

Bất cứ ai đặt chân đến khu di tích An Lăng (tọa lạc ở phường An Cựu, TP Huế) hiện nay đều cảm thấy đau lòng vì sự xuống cấp đổ nát của di tích. An Lăng là di tích lịch sử cấp quốc gia (được Nhà nước công nhận năm 1995) thuộc quần thể di tích cố đô Huế, nơi chôn cất, thờ phụng ba vị vua của vương triều Nguyễn: Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân.

Ngay cổng chính bước vào điện Long An, nhiều phiến đá trước cổng đã bị bung ra, tường bị thủng, lở nhiều đoạn. Ở khu vực bên trong chính điện, nhiều mảng tường rạn nứt, cỏ dại mọc um tùm trên những bờ tường mốc rêu. Nhiều chỗ còn được dùng làm vườn ươm, những đống gạch vụn, phế liệu được đổ ngay bên bờ tường.

Khu lăng mộ các vua Duy Tân, Thành Thái trong di tích An Lăng
xuống cấp đến đau lòng - Ảnh: Minh Phương

Phía sau điện Long An được bao bọc bởi tường thành, trước đây là chốn hậu cung của các bà vợ vua, nay là nơi an nghỉ của nhiều ông hoàng bà chúa như vợ, mẹ, anh em của vua Duy Tân cùng một số hoàng thân. Thế nhưng, giờ đây cũng bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở, phòng trọ sinh viên. Nhiều đoạn tường thành bị người dân tự ý đập phá để xây dựng công trình.

Phía bên trái là khu lăng mộ rộng gần 1 ha rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát, hiện đang được khóa cửa và bỏ hoang. Nhiều bộ phận trang trí của cổng Tam quan (cổng chính vào lăng) bị rơi rụng. Một số di tích nhỏ gần như đã bị xóa sổ, chỉ còn lô nhô vài dấu vết cũ chứng tỏ rằng nó đã từng tồn tại. Nhà Huỳnh ốc (nhà đặt hương án thờ cúng) xiêu vẹo, bên trong phải dùng gỗ để chống đỡ bốn phía, chỉ dùng dây sắt néo và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Nằm ngay cạnh khu lăng, một số công trình như: Trụ biểu bị bỏ hoang cây cối che lấp, một số lăng mộ bị “lãng quên”, đổ nát, cỏ cây mọc um tùm. Ngay phía trước lăng có ba bốn căn nhà dân lợp mái tôn tạm bợ, dù đã có kế hoạch chuyển đi nhưng đến nay vẫn đang bỏ ngỏ, người dân vẫn chịu cảnh sống "bám" bên di tích.
-----------------------------------
Khu lăng mộ 3 vua

Hiện giờ, An Lăng là khu mộ chung của ba thế hệ vua: Dục Đức (cha), Thành Thái (con), Duy Tân (cháu). Toàn bộ khu lăng mộ hình chữ nhật có diện tích 3.445m2, bên trong không có Bi đình và tượng đá. Hiện nay, trong khu di tích An Lăng còn có 42 tẩm mộ của các ông hoàng bà chúa cùng với 121 ngôi mộ đất của dòng họ Nguyễn Phước (họ vua).
-----------------------------------

*****

Kỳ 4: Hổ Quyền hoang phế (do Bùi Ngọc Long - TN - 31-8-2011)

Hổ Quyền là di tích độc đáo trong hệ thống quần thể di sản cố đô Huế, bởi đây là đấu trường voi hổ duy nhất còn sót lại. Ngoài ý nghĩa là thao trường luyện tập của voi, hổ phục vụ chiến đấu, đây còn là nơi giải trí của vua quan triều Nguyễn.

Đấu trường độc đáo

Di tích Hổ Quyền tọa lạc ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, P.Thủy Biều, TP Huế (Thừa Thiên - Huế), về phía tây Kinh thành, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830). Kiến trúc Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,90m; vòng thành ngoài cao 4,75m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10-15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145m, đường kính lòng chảo là 44m.

Theo ông Phạm Đức Thành Dũng - cán bộ nghiên cứu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô (TTBTDTCĐ) Huế, Hổ Quyền ngoài ý nghĩa là chuồng nuôi hổ, nó còn có chức năng là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ.

Khán đài vua ngồi ở mặt bắc của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí chung quanh và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần. Hai bên có hai hệ thống tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính. Phía đối diện, là vị trí 5 chuồng cọp nằm ngay trong lòng đấu trường. Hai vòng tường trong và ngoài của đấu trường tạo ra vách chuồng. Giữa hai tường thành sẵn có, xây thêm các bức vách bằng gạch để tạo 5 cái chuồng riêng biệt. Hệ thống cửa ở các chuồng hổ là các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống.

Hiện tại, toàn bộ khu di tích đang xuống cấp và hoang phế. Tường thành của đấu trường nứt gãy nhiều đoạn, những bậc cấp đi lên khán đài bị bung sụt được rào chắn lại với cảnh báo nguy hiểm. Nhìn chung, toàn bộ kết cấu của đấu trường này tuy đã xuống cấp nhưng vẫn giữ được dáng vẻ khá nguyên vẹn.

Những trận đấu voi - hổ hy hữu

Theo tư liệu ghi chép lại cho biết, những trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức sớm nhất là vào thời các chúa Nguyễn (1558 -1775). Học giả người Pháp là Pierre Poivre mô tả ông từng chứng kiến một trận đấu voi hổ vô tiền khoáng hậu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1750). Cuộc đấu diễn ra ở cồn Dã Viên. Chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền để xem voi hổ đấu. Theo Pierre Poivre, đây có lẽ là trận đấu khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử. Các khán giả đã chứng kiến từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, khi mà 40 con voi đã tàn sát đến con hổ cuối cùng trong số 18 con được thả ra làm vật tế thần trong ngày hội.


Dưới thời vua Gia Long, trong một trận đấu được tổ chức ở bãi đất trống phía trước kinh thành, giới hạn bằng một hàng rào lính tráng cầm khí giới đứng vòng quanh bảo vệ, một con hổ đã bứt được dây trói nhảy chồm lên tát người quản tượng rơi xuống đất và ông đã bị chính con voi do mình huấn luyện giẫm chết. Sự lồng lộn của con dã thú đã gây thương tích cho nhiều người và trở thành nỗi kinh hoàng cho tất cả khán giả.

Thời Minh Mạng cũng từng xảy ra một sự cố tương tự. Nhân ngày lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng thọ vua 40 tuổi vào năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận thư hùng giữa voi và hổ tổ chức ở bên bờ bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, chúa sơn lâm bứt được dây trói, lao ra và bơi về phía thuyền rồng. Giữa lúc quan binh nhốn nháo hoảng loạn, vua Minh Mạng kịp dùng con sào đẩy lùi được con vật cùng đường. Nhờ vậy, quan quân mới kịp chèo thuyền đến giết chết hổ giữa dòng sông cứu vua kịp thời.

Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Trận đấu cuối cùng được tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Đây cũng là một trận đấu hấp dẫn, đầy kịch tính được nhiều người đương thời chứng kiến và mô tả kỹ.

Có thể thấy việc tổ chức các cuộc huyết đấu giữa voi và hổ trước hết xuất phát từ nhu cầu rèn luyện tượng binh, một binh chủng rất lợi hại của quân đội xứ Đàng Trong, sau mới được nâng dần lên thành trò giải trí tiêu khiển.

*****
Kỳ 5: Văn Miếu, Võ Miếu xuống cấp (do Bùi Ngọc Long - TN - 01-9-2011)

Trong khi di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội được bảo tồn khá tốt và UNESCO đưa vào danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới năm 2010, thì ở Huế hai di sản Văn Miếu và Võ Miếu (còn gọi là Văn Thánh - Võ Thánh), dù ra đời muộn hơn nhưng đến nay đã xuống cấp và hoang phế.

Công trình Văn Miếu hư hỏng

Ngược dòng sông Hương, theo con đường từ chùa Linh Mụ lên thêm một đoạn chừng vài cây số là đến di tích Văn Miếu và Võ Miếu (thuộc xã Hương Hồ, H.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).Văn Miếu là một biểu tượng độc đáo của nền giáo dục VN trong giai đoạn vương quyền phong kiến thống trị. Việc lập Văn Miếu và dựng bia tiến sĩ nhằm nhắc lại cụ thể sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế, trong thời kỳ các chúa Nguyễn mở mang khai phá phương Nam, Văn Miếu cũng được thiết lập ở Phú Xuân và được xem như Văn Miếu riêng của Đàng Trong, nhưng không rõ thời điểm xây dựng, chỉ biết địa điểm tại làng Triều Sơn. Đến năm Canh Dần (1770), dưới triều của Định Vương Nguyễn Phúc Khoát, Văn Miếu được dời đến xã Long Hồ. Đến khi nhà Nguyễn gây dựng cơ đồ, Văn Miếu chính thức mới được xây dựng vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long, ở địa điểm hiện nay.

Khi còn nguyên vẹn, nơi đây có gần 20 công trình lớn như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, Hữu Văn đường, Duỵ Lễ đường, nhà Thổ Công, Đại Thành môn, Văn Miếu môn, Quan Đức môn, Linh Tinh môn, La thành, bến vua ngự...

Tại Văn Miếu, hiện có hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).

Võ Miếu hoang phế

Ngay sát bên Văn Miếu là Võ Miếu cũng đang trong tình trạng hoang phế, nhiều công trình đã bị xóa sổ hoàn toàn. Vào năm 1835 dưới thời Minh Mạng, theo kiến nghị của Bộ Lễ, triều đình chuẩn y cho xây dựng Võ Miếu nhằm thể hiện sự chú trọng đến giáo dục quân sự và đề cao nghiệp võ.

Bên cạnh Văn Miếu, Võ Miếu đã hoang phế hoàn toàn chỉ còn lại vài công trình
 mục nát và 5 tấm bia đá trơ giữa nắng mưa - Ảnh: B.N.L

Võ Miếu được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm Ất Mùi (1835) phía bên trái Văn Miếu, trước mặt là sông Hương. Với chu vi khoảng 400m, cấu trúc Võ Miếu cũng không cầu kỳ, gồm một miếu chính theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, phía trước có xây 2 nhà phụ gọi là Tả vu và Hữu vu đối diện nhau. Chung quanh có xây thành bao bọc, phía ngoài thành có nhà Tể sinh - là nơi giết súc vật khi tổ chức cúng tế. Năm 1839 (Minh Mạng thứ 20), triều đình cho dựng ba tấm bia Võ Công ở trước sân Võ Miếu. Những tấm bia này ghi tên những danh tướng đã đóng góp nhiều chiến công trong hai triều vua Gia Long và Minh Mạng như: Trương Minh Giảng, Phạm Hữu Tâm, Tạ Quang Cự, Nguyễn Xuân, Phạm Văn Điển... Về sau, còn có hai tấm bia ghi tên những tiến sĩ đỗ trong 3 khoa thi võ dưới thời Tự Đức: 1. khoa Ất Sửu (1865), 2. khoa Mậu Thìn (1868), 3. khoa Kỷ Tỵ (1869). Võ Miếu là nơi thờ các danh tướng VN như: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Tôn Thất Hội... Về hình thức, việc lập Võ Miếu nhằm tạo ra một sự đăng đối so với Văn Miếu. Võ Miếu được triều Nguyễn lập ra cũng để tôn vinh những công thần đã đóng góp nhiều công lao cho triều đại, mục đích động viên những người theo đòi võ nghiệp mong lập được chiến tích để lưu danh muôn thuở.

Hiện trạng của di tích Võ Miếu chỉ còn lại miếu chính là ngôi nhà rường mục nát, có 5 án thờ bên trong, một ngôi nhà khác kế bên hoang phế. Vị trí đặt 5 tấm bia hiện đã không còn nhà bia chỉ trơ lại 5 tấm bia đá phơi nắng mưa.
---------------------------------------

Ngày 7.6.2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định (số 818/QĐ-TTg) phê duyệt đề án Điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có kế hoạch (số 35/KH-UBND ngày 13.5.2011) triển khai thực hiện đề án, với mục tiêu: cơ bản, đến năm 2020 phục hồi hoàn nguyên toàn khu vực Đại Nội theo kiến trúc Hoàng thành trước kia; Cải thiện, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên khu vực kinh thành, các lăng tẩm và các công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế; Xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng những điểm di tích; Di dời các hộ dân ra khỏi khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích; Nghiên cứu phục hồi và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; Tổ chức bảo tồn các ngành nghề truyền thống, phục chế các loại vật liệu truyền thống và bồi dưỡng đào tạo lực lượng nghệ nhân đang có nguy cơ thất truyền nhằm phục vụ tốt cho công cuộc bảo tồn giá trị di sản văn hóa Huế.

---------------------------------------

*****

Hoang phế di tích hồ Tịnh Tâm ở Cố đô Huế (do Quốc Việt - Vietnamplus - 05-9-2011)

Trích đoạn:

Theo sử liệu, hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1.500 m, trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Hồ Tịnh Tâm được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch. Bốn mặt có bốn cửa gồm cửa Hạ Huân ở phía nam, cửa Đông Hy ở phía bắc, cửa Xuân Quang ở phía đông và cửa Thu Nguyệt ở phía tây. Xung quanh các đảo trên hồ và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ, dưới hồ trồng sen trắng.

Đảo Bồng Lai ở phía nam hồ Tịnh Tâm, dẫn đến đảo bằng cầu Hồng Cừ, chính giữa có điện Bồng Doanh. Điện có kiến trúc 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói Hoàng lưu ly, điện xây mặt về hướng nam, có lan can gạch bao quanh, phía trước có cửa Bồng Doanh, cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà Thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông.

Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa và một cây cầu mang tên Hồng Cừ. Đảo Phương Trượng giữa có gác Nam Huân, quay mặt về hướng nam, 2 tầng, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Phía nam có cửa Bích Tảo và cầu Bích Tảo. 

Phía bắc đảo có lầu Tịnh Tâm, quay mặt hướng bắc. Phía đông có nhà Hạo Nhiên (năm 1848 đổi thành Thiên Nhiên), quay mặt về hướng đông. Phía tây có hiên Dưỡng Tính quay mặt về hướng tây. Giữa hai đảo có đình Tứ Đạt nằm giữa một hệ thống hành lang mái lợp ngói gồm 44 gian, chạy nối vào cầu Bích Tảo ở phía nam và cầu Hồng Cừ ở phía bắc.

Đảo Doanh Châu giữa hồ Tịnh Tâm có đê Kim Oanh nối liền từ bờ đông qua bờ tây. Phía đông đê có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía nam đê gắn với một hành lang dài 56 gian, ở giữa là cầu Bạch Tần. Phía nam cầu có nhà tạ Thanh Tước để thuyền vua ngự. 

Ở đoạn cuối phía tây của hành lang lại có nhà Khúc Tạ, thông với một nhà tạ khác là Khúc Tạ Hà Phong qua một hành lang nhỏ dựng trên mặt nước. Phía nam nhà tạ này là đảo Doanh Châu. Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ, hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ 19.

Hồ Tịnh Tâm phủ đầy rau muống. Chiếc cầu ra đảo Phương Trượng
giữa hồ mục nát gẫy sập trông rất mất mỹ quan. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tuy đã có đề án khôi phục hồ nhưng từ bấy đến nay, di tích Tịnh Tâm ngày càng bị xuống cấp do không có sự tu bổ và quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Hồ nay chỉ còn là một "phế tích" được dùng làm nơi trồng sen và rau muống.

Do không có sự tu bổ nên di tích trên ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu đã xuống cấp một cách trầm trọng. Nhiều trụ đá di tích nằm nghiêng ngả và vỡ nát. Trên mỗi đảo, cỏ mọc tràn lan như bãi đất hoang, trở thành sân bóng của nhiều trẻ em.

Cây cầu dẫn vào đảo đã hư hỏng nặng, nhiều chỗ gãy nếu không chú ý có thể sẽ bị lọt chân xuống. Mặc dù đã có hàng rào chắn nhưng nhiều người dân vẫn vượt rào vào câu cá, xe đạp để ngổn ngang trên cầu. Khi vào trong đảo có một số giếng nước cổ bị bỏ hoang, dễ gây tai nạn cho du khách. Mặt hồ đã trở thành một đầm lầy để cho các hộ dân canh tác rau muống, nhiều cọc tre cắm xuống hồ, tạo nên cảnh khó coi, gây phản cảm cho du khách.

Mang danh nghĩa là hồ nhưng ở Tịnh Tâm bây giờ bùn đất nhiều hơn là nước, nhiều chỗ bị bồi lấp nặng nề. Đến đây, không ai có thể nhận ra và nghĩ rằng hồ Tịnh Tâm vốn đã từng là Ngự Uyển của vua Nguyễn./.

*****

Thăm nhà hát cổ xưa nhất Việt Nam (Theo Maskonline - tin nhanh Việt Nam - 23-9-2011)

Ít người biết rằng nằm ngay giữa hoàng thành Huế lại có một nhà hát quốc gia được xem là cổ nhất ở Việt Nam.

Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) đến nay đã gần 200 năm. Vào thế kỷ XVII, XVIII các quốc khách đến thăm Việt Nam, sau những buổi yến tiệc họ đều được xem hát tuồng. Nhưng mãi đến thời Minh Mạng mới xây dựng một nhà hát tuồng của Quốc gia nằm ngay trong khuôn viên Đại nội Huế.

1266448211_210911DLAfamilyduyetthiduong4_b610f
Cổng vào Duyệt thị đường.
1794330262_210911DLAfamilyduyetthiduong3_d8568
Nhà hát nằm giữa đại nội Huế với phong cách kiến trúc độc đáo.

Ngày xưa các bậc vua quan vừa xem hát vừa tiệc tùng, vừa chữa bệnh cho nên bên phải là Ngự y viện, nơi để sao chế thuốc chữa bệnh cho vua và hoàng gia. Bên trái là sở Thượng Thiện, nơi dùng để chế biến các món ăn phục vụ nhà vua. Tất cả đều được ngăn với nhà hát bằng một bức tường.

534788484_210911DLAfamilyduyetthiduong2_a4085
Đỉnh đồng và đôi rồng sững sững trước sân.
1530834468_210911DLAfamilyduyetthiduong6_6e6bb
Cột đèn có dáng dấp của kiến trúc phương Tây.

Nhà hát có chiều cao 12m, gồm 2 tầng, nội thất được làm bằng gỗ lim. Sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa bốn gian, khi diễn thì trải chiếu hoa lên. Trần nhà hát được trang trí hình ảnh các vì tinh tú, những đám mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết, nền trời xanh rất đẹp, tạo cho người diễn cũng như người xem có cảm giác như đang ở ngoài trời, ở giữa cuộc đời.

Đây không chỉ là nơi tấu những bản nhạc cung đình, mà còn trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác như,: tuồng, kịch hát, ca Huế theo yêu cầu và sở thích của nhà vua. Mặc dù sau này còn có thêm ba nhà hát nữa được xây dựng, nhưng Duyệt Thị Đường vẫn được các vua Nguyễn kế tiếp nhau tu bổ, tôn tạo để làm nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật, nơi biểu diễn chiêu đãi sứ thần các nước khi đến Việt Nam.

853916158_210911DLAfamilyduyetthiduong1_7ef32
Duyệt Thị Đường đã hồi sinh trở lại với mái ngói lưu ly, cột sơn son thiếp vàng...
757891125_210911DLAfamilyduyetthiduong5_6413e
...sân khấu, hậu trường, khán phòng mang dáng xưa.

Trải qua gần 200 năm, dưới sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh cũng như con người, nhà hát Duyệt Thị Đường đã gánh chịu nhiều hư hỏng nặng nề và đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần.Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được Trung tâm Bảo tàng Di tích Cố đô Huế đưa vào hoạt động nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Huế, đặc biệt là nhã nhạc cung đình Huế, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

1928812140_210911DLAfamilyduyetthiduong7_ca8b7
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng các Ngoại trưởng các nước ASEAN
chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ cung đình.

Đến thăm nhà hát Duyệt Thị Đường, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình mang phong cách kiến trúc độc đáo mà còn được thưởng thức những màn biểu diễn nhã nhạc đặc sắc. Hiện tại nhà hát đã sưu tầm và khôi phục được 8 trong số 11 điệu múa cổ cùng với 40 bài nhã nhạc được dàn dựng hết sức công phu và nhiều trích đoạn tuồng nổi tiếng cũng đã được phục dựng để phục vụ du khách.