.

.

Kiến trúc phục vụ cho tâm thức

Hình 1 (lấy từ tạp chí Scientific American 
Mind, số tháng 4/5/6 năm 2009, trang 53)
[TGKT] Vào thập niên 1950, Jonas Salk - bác sĩ và cũng là nhà sinh vật học từng đoạt nhiều giải thưởng đang nỗ lực tìm ra cách chữa trị bệnh bại liệt trong một phòng thí nghiệm ở dưới tầng hầm tối tăm tại Pittsburgh. Tiến trình diễn ra khá chậm, do vậy ông tới Assisi (Ý) du lịch để thư giãn đầu óc. Ở đó ông dành thời gian đến thăm một tu viện thuộc thế kỉ 13, và khi đi dạo giữa những hàng hiên và sân nhỏ, Salk chợt nhận thấy mình thông tỏ được nhiều điều, mà một trong số đó sẽ dẫn ông đến việc tìm ra loại vaccine bại liệt hiệu quả. Từ đó ông có niềm tin rằng kiến trúc có khả năng ảnh hưởng lên tâm thức con người.

Từ lâu, các kiến trúc sư đã trực cảm rằng nơi sinh sống có ảnh hưởng lên suy nghĩ, tình cảm và hành vi của chúng ta. Nửa thế kỉ sau chuyến hành trình đầy cảm hứng của Salk, các nhà khoa học hành vi đang khám phá những vùng không gian có thể đẩy mạnh tính sáng tạo, tạo sự tập trung và tỉnh táo, cũng như đem lại sự thư giãn thoải mái cho con người.
Những viện nghiên cứu như Academy of Neuroscience for Architecture ở San Diego đang khuyến khích nghiên cứu liên ngành tìm ra cách lí giải làm thế nào mà một môi trường được sắp đặt sẵn có thể ảnh hưởng lên tâm thức con người, trong khi một số trường kiến trúc đang mở những khóa đào tạo não học dẫn nhập. 

Những nỗ lực như thế ảnh hưởng lên lĩnh vực thiết kế, như dự án những căn hộ cho người già mắc bệnh sa sút trí tuệ, mà ở đó chính toà nhà là một phần của việc chữa trị [1]. Tương tự như vậy, trường Kingsdale ở London đã được thiết kế lại, với sự trợ giúp của các nhà tâm lí học, để đẩy mạnh tính gắn kết xã hội; cấu trúc mới cũng bao gồm những yếu tố giúp khuyến khích sự nhanh nhạy và tính sáng tạo. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu chỉ vừa mới bắt đầu mà thôi. “Tất cả điều này đang ở giai đoạn sơ khởi”, kiến trúc sư David Allison - người đứng đầu chương trình Kiến trúc + Sức khỏe của trường ĐH Clemson, nhận xét. “Nhưng chương trình não học vừa bắt đầu này có thể cho chúng ta thông hiểu hơn về cách làm thế nào mà môi trường được xây dựng tác động lên sức khoẻ và sự an lành của chúng ta, làm thế nào mà chúng ta làm việc và chúng ta cảm giác ra sao trong những môi trường như thế”.

Tư duy cao hơn (higher thought)

Những cuộc nghiên cứu nghiêm túc về cách thức con người tương tác với môi trường được xây dựng bắt đầu vào thập niên 1950, khi một vài nhóm nghiên cứu phân tích làm thế nào mà thiết kế của bệnh viện, đặc biệt là những khu trị liệu tâm lí, ảnh hưởng lên hành vi và kết quả của bệnh nhân. Thập niên 1960 và 1970 chứng kiến sự bùng nổ của ngành khoa học mang tên tâm lý học môi trường.

John Zeisel, nhà xã hội học lão luyện của trường Columbia University cho rằng, “Có điều gì đó về con người mà ta cần phải tìm ra để xây những khu nhà tương ứng với nhu cầu của chúng ta?”

Sự phát triển của các ngành khoa học nghiên cứu bộ não trong cuối thế kỉ 20 đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu những kỹ thuật, công cụ và lý thuyết để bắt đầu suy xét việc tận dụng sự thấu hiểu tường tận về bộ não để gây ảnh hưởng lên việc thiết kế. 

Giờ đây sự phát triển của nghiên cứu đã giúp soi rọi quan sát của giáo sư Salk rằng một số khía cạnh của môi trường vật lý có khả năng ảnh hưởng tới tính sáng tạo. Năm 2007, Joan Meyers-Levy, giáo sư ĐH Minnesota, cho rằng độ cao của trần nhà gây tác động lên cách người ta tư duy. Với những trần nhà cao sẽ khuyến khích người ta suy nghĩ tự do hơn, điều này có thể dẫn đến việc họ sẽ tạo ra những kết nối trừu tượng hơn. Mặt khác, ý nghĩ về sự giam hãm tạo ra bởi trần nhà thấp có thể tạo ra cảm giác về một góc nhìn kĩ càng hơn – điều này có thể có ích trong một vài hoàn cảnh. “Tùy thuộc rất nhiều vào loại công việc bạn đang làm”, Meyers-Levy giải thích. “Nếu bạn trong phòng mổ, có thể trần thấp sẽ tốt hơn. Bạn muốn bác sĩ giải phẫu thực hiện đúng các chi tiết”. Meyers-Levy chỉ ra rằng, độ cao thật sự của trần nhà không quan trọng bằng cảm giác về độ cao. “Chúng tôi nghĩ bạn có thể có được những hiệu ứng này bằng cách điều khiển khả năng cảm quan về không gian”, bà nói, bằng cách dùng sơn sáng màu, ví dụ vậy, hoặc dùng những tấm gương để khiến cho căn phòng trông như có nhiều khoảng không gian hơn.

Chú trọng vào thiên nhiên 

Ngoài việc trần nhà cao, thì góc nhìn được tạo ra bởi toà nhà có thể ảnh hưởng đến trí năng – cụ thể là khả năng tập trung của người ở trong nhà. Mặc dù nhìn ngắm ra ngoài cửa sổ dường như cho thấy sự xao nhãng, nhưng việc nhìn ra khung cảnh thiên nhiên, như khu vườn, cánh đồng hoặc khu rừng, thật sự tăng cường sự tập trung. Một nghiên cứu ra mắt năm 2000 thực hiện bởi nhà tâm lí học môi trường Nancy Wells ở Cornell University cho thấy những sinh viên đại học ở trong ký túc xá có những góc nhìn hướng về tự nhiên khi được đo sự tập trung tinh thần thì sẽ đạt điểm cao hơn so với những sinh viên nhìn ra khung cảnh toàn là những vật thể do người làm ra. Không gian chơi đùa màu xanh lá có thể đặc biệt hữu ích cho những sinh viên mắc chứng rối loạn khả năng tập trung. 

Kiến trúc sư và nhà nghiên cứu về phong cảnh William Sullivan của trường University of Illinois đã nghiên cứu 96 đứa trẻ bị chứng ADD (attention deficit disorder, tình trạng rối loạn thiếu khả năng tập trung). Các nhà khoa học yêu cầu những bậc cha mẹ mô tả khả năng tập trung của bọn trẻ - như là làm bài tập về nhà hoặc những chỉ thị bằng lời – sau khi bọn trẻ tham dự vào những hoạt động như câu cá, đá bóng, và chơi trò chơi điện tử, mà trong những hoạt động đó chúng được tiếp xúc với những sắc độ khác nhau của các cành lá xanh um. “Những bậc cha mẹ báo cáo lại rằng triệu chứng ADD của bọn trẻ bớt nghiêm trọng hơn sau khi chúng ở trong hoặc quan sát những khoảng không gian xanh rì”, Sullivan nói, kết quả của ông được công bố năm 2001.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2009 được thực hiện bởi C. Kenneth Tamer, người đứng đầu School Design & Planning Laboratory của trường University of Georgia, trong số hơn 10,000 học sinh lớp năm của 71 trường tiểu học tại Georgia, học sinh nào ở trong lớp học có tầm nhìn không hạn chế ít nhất 50 bộ (khoảng 15m) bên ngoài cửa sổ, bao gồm vườn tược, đồi núi và những yếu tố tự nhiên khác, thì sẽ có điểm số cao hơn trong những bài kiểm tra từ vựng, nghệ thuật ngôn ngữ và toán, so với những học sinh không có những tầm nhìn mở rộng đến thế và có lớp học chỉ nhìn ra đường sá, các bãi đậu xe và những thứ khác trong nội thành.

Theo nhà tâm lí học Stephen Kaplan, những công việc trong thế giới hiện đại có thể gây ra sự kiệt quệ về tinh thần, trong khi đó việc nhìn ra ngoài khung cảnh tự nhiên thì hầu như không cần nỗ lực gì và có thể làm cho tâm trí có được sự nghỉ ngơi cần thiết. “Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khi người ta nhìn ra cảnh tự nhiên, cho dù những cảnh tự nhiên đó là thật hay được chiếu trên màn ảnh, thì khả năng tập trung của họ tăng lên”, Stephen Kaplan cho biết.

Nhìn thấy ánh sáng 

Ngoài vấn đề cây cỏ, thế giới tự nhiên còn có một số thứ khác dâng tặng cho những người ở trong nhà: ánh sáng. Ánh sáng ban ngày đồng bộ hóa chu kì ngủ-thức của chúng ta, hoặc nhịp sinh học 24 giờ, làm cho chúng ta ở trạng thái tỉnh táo vào ban ngày và khiến ta có thể ngủ vào ban đêm. Dù vậy nhiều tòa nhà trụ sở không được thiết kế để có nhiều ánh sáng tự nhiên mà tâm trí và cơ thể ta cần.

Thiếu sáng có thể là vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ trong độ tuổi đến trường. “Bạn lôi đứa trẻ không được nghỉ ngơi đầy đủ tới trước cổng trường nơi có rất ít ánh sáng tự nhiên, đoán xem điều gì sẽ xảy ra? Chúng sẽ rơi vào trạng thái mệt phờ”. Tanner nhận xét. Một nghiên cứu tiến hành năm 1992 với nhóm trẻ Thụy Điển tại bốn lớp học kéo dài trong một năm cho thấy những trẻ ở lớp có ít ánh sáng nhất sẽ bị rối loạn cortisol, một loại hormone chịu sự điều tiết bởi nhịp sinh học của cơ thể.

Nghiên cứu cũng đã cho thấy lượng ánh sáng Mặt trời đầy đủ sẽ cải thiện kết quả của học sinh. Năm 1999, Heschong Mahone-một nhóm tư vấn toạ lạc tại California chuyên về xây dựng những cấu trúc hiệu quả về mặt năng lượng, đã thu thập điểm số của những bài kiểm tra tiêu chuẩn về toán học và về môn tập đọc của hơn 21,000 học sinh tiểu học thuộc ba khu vực trường học của ba bang: California, Washington và Colorado. Dùng ảnh chụp, các bản vẽ kiến trúc, và đích thân thăm viếng, các nhà nghiên cứu đánh giá lượng ánh sáng ban ngày hiện hữu ở trong 2,000 lớp học theo thang điểm từ 0 đến 5. Tại một khu vực trường học – Capistrano, California – học sinh ở trong những lớp học sáng sủa nhất thì tăng 26% khả năng đọc nhanh và 20% trong việc làm toán nhanh trong thời gian một năm, so với những học sinh ở trong lớp có ít ánh sáng ban ngày. Ở hai khu vực kia, ánh sáng ban ngày dư dả làm tăng điểm số lên từ khoảng 7 đến 18%.

Trong một nghiên cứu công bố năm 2008, nhà não học Rixt F. Riemersma-van der Lek của Netherlands Institute for Neuroscience và đồng nghiệp đã chọn ngẫu nhiên 6 trong số 12 cơ sở hỗ trợ sinh sống tại Hà Lan để lắp đặt thêm thiết bị chiếu sáng, đưa độ sáng lên khoảng 1,000 lux; còn 6 khu kia được cung cấp hệ thống chiếu sáng mờ hơn vào khoảng 300 lux. Cuộc thí nghiệm diễn ra trong những khoảng thời gian sáu tháng suốt hơn ba năm rưỡi, các cư dân trong mấy tòa nhà sáng sủa hơn có mức giảm về khả năng tri nhận ít hơn 5% so với những người trong sáu tòa nhà tối hơn. Từ đó các nhà nghiên cứu tin rằng cung cấp nhiều ánh sáng ban ngày có thể sẽ giúp phục hồi các nhịp thích hợp và do vậy sẽ cải thiện chức năng não bộ nói chung.

Một căn phòng để thư giãn

Trong một nghiên cứu năm 2006, các nhà tư vấn phỏng vấn cá nhân 80 sinh viên đại học trong căn phòng tối mờ hoặc căn phòng sáng trưng. Các sinh viên được phỏng vấn trong căn phòng tối mờ thì cảm thấy thư giãn hơn, cách nhìn nhận của họ đối với người tư vấn cũng tích cực hơn và chia sẻ nhiều thông tin về bản thân họ hơn so với những sinh viên được tư vấn ở căn phòng sáng trưng kia. Những phát hiện đó hàm ý rằng ánh sáng tối mờ giúp cho con người ta thả lỏng mình. Nếu điều đó đúng, thì việc giữ ánh sáng ở cường độ thấp trong suốt buổi ăn tối hay ở những bữa tiệc có thể thúc đẩy sự thư giãn và tính thân mật.

Tương tự vậy, những thứ bên trong căn phòng có thể mang tính êm ả - hoặc ngược lại. Nhà não học Moshe Bar của Harvard Medical School, đã cho các đối tượng tham gia thí nghiệm thấy những bức ảnh của những phiên bản đồ vật trung tính khác nhau, như cái ghế bành hay đồng hồ. Các hình mẫu của mỗi món đó đều giống nhau ngoại trừ một số cái có góc cạnh uốn lượn hoặc được bo tròn, trong khi những cái khác thì có những cạnh trông sắc bén và vuông vức. Khi được yêu cầu để đưa ra những đánh giá tức thời về những món đồ này, thì những người tham gia thí nghiệm ưa chuộng những món có những đường cong hơn đáng kể. Bar cho rằng sự ưa chuộng này tồn tại vì chúng ta liên hệ những góc cạnh sắc nhọn với sự nguy hiểm. (Bộ não có thể nhận thức được mức độ nguy hiểm hơn, ví dụ, từ cái hang động có nhiều tảng đá nhọn lởm chởm nhô ra khỏi tường đá, so với cái hang có những tảng đá được bo tròn cũng nhô ra khỏi tường đá.) “Có lẽ cái vẻ sắc nhọn bên ngoài được bộ não mã hóa thành những mối đe dọa tiềm năng”, ông cho biết.

Những cửa thoát ra ngoài được ngụy trang như những cái này ở nhà của
những bệnh nhân Alzheimer có thể cải thiện tâm trạng của những cư dân đó.

Sự lựa chọn đồ nội thất cũng có thể gây ảnh hưởng lên việc con người tương tác với nhau. Các nhà khoa học khám phá ra rằng cách thức thông thường khi sắp đặt những chiếc ghế dọc theo bức tường trong những căn phòng tập thể hoặc những phòng khách thật sự ngăn chặn việc hòa nhập. Để khuyến khích sự tương tác lẫn nhau cần sắp xếp đồ nội thất thành từng nhóm nhỏ rải rác khắp căn phòng. 
***
“Nhờ vào các tiến bộ của ngành não học, chúng ta có thể bắt đầu đo lường những hiệu ứng của môi trường ở mức chi tiết hơn trước đây”, Edelstein của trường University of California, San Diego cho biết. Đây là cơ sở cho các nhà thiết kế tạo ra những tòa nhà phục vụ cho tâm thức. Chẳng hạn như những khu chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân Alzheimer mà được thiết kế tốt thì làm giảm những mối lo âu, giận dữ, sự thoát li xã hội, trầm cảm và chứng rối loạn tâm thần, theo một nghiên cứu năm 2003 thực hiện bởi Zeisel và đồng nghiệp. 

Theo Tiasang - Đoàn Khương Duy dịch (Emily Anthes)
Nguồn: Anthens, Emily. “Building around the Mind.” Scientific American Mind, April/May/June 2009: 52-59